BÀI TUYÊN TRUYỀN PHÒNG CHỐNG BỆNH SỞI – RUBELLA
Các em học sinh thân mến!
Sởi là một trong những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có thể gây ra những biến chứng nghiêm trọng lây lan nhanh chóng qua đường hô hấp, thậm chí tốc độ lây lan của chúng còn nhanh hơn so với Covid-19 và virus cúm.
1. Biểu hiện của bệnh sởi:
Ở trẻ em, bệnh thường nhẹ, với các triệu chứng bao gồm:
- Phát ban, sốt nhẹ (<39 °C), buồn nôn và viêm kết mạc nhẹ. Phát ban, xảy ra trong khoảng 50-80% trường hợp, thường bắt đầu trên mặt và cổ trước khi tiến triển xuống cơ thể, và kéo dài 1-3 ngày.
- Sưng hạch sau tai và ở cổ là đặc điểm lâm sàng đặc trưng nhất.
Một khi bị nhiễm, virus sẽ lan khắp cơ thể trong khoảng 5-7 ngày. Các triệu chứng thường xuất hiện từ 2 đến 3 tuần sau khi tiếp xúc. Thời kỳ lây nhiễm mạnh nhất thường là 1-5 ngày sau khi xuất hiện phát ban.
2. Dấu hiệu nhận diện bệnh sởi ở trẻ em
Ở thể điển hình thường gặp, bệnh sởi ở trẻ em diễn tiến với 4 giai đoạn:
- Giai đoạn ủ bệnh:
Virus sởi sau khi xâm nhập vào cơ thể trẻ sẽ không có dấu hiệu ngay mà trải qua giai đoạn ủ bệnh 10 - 14 ngày. Vì thế, hầu như cha mẹ không hề biết con đã bị nhiễm sởi.
- Giai đoạn khởi phát (viêm long)
Các triệu chứng bệnh sởi ở giai đoạn này chủ yếu là tình trạng viêm, thường kéo dài 3 - 4 ngày, khiến trẻ gặp các tình trạng: sốt, đỏ mắt, viêm kết mạc, chảy nước mắt và nước mũi, xuất tiết mũi họng, ho, sưng hạch ngoại biên,...
- Giai đoạn toàn phát (phát ban)
Sau khi bị sốt 3 - 4 trẻ sẽ nổi ban sởi trên da. Khoảng thời gian phát ban sởi thường 4 - 6 ngày. Trẻ giảm sốt khi ban bắt đầu mọc. Khởi phát ban sởi ở phía sau tai và gáy sau đó lan dần sang khắp vùng đầu - mặt rồi chuyển dần xuống thân, chi dưới. Ban sởi có màu đỏ, hơi gồ lên trên da, có thể liên kết thành đám hoặc tồn tại riêng lẻ.
- Giai đoạn hồi phục (ban bay)
Điểm đặc biệt của bệnh sởi ở trẻ em là tình trạng ban sởi lặn dần theo đúng trình tự mọc ban đầu. Khi ban sởi bay hết trên da sẽ có vết thâm. Nếu ban không còn mà trẻ vẫn sốt thì cần thận trọng bởi có thể bệnh sẽ tiến triển nguy hiểm.
3. Phương thức lây truyền:
- Bằng đường hô hấp do tiếp xúc trực tiếp với các chất tiết của mũi họng bệnh nhân. Đôi khi có thể lây gián tiếp qua những đồ vật mới bị nhiễm các chất tiết đường mũi họng của bệnh nhân. Bệnh sởi có tính lây truyền cao nhất.
4. Cách phòng, tránh bệnh Sởi:
- Giáo dục sức khỏe cộng đồng, nhất là đối với học sinh, phụ huynh cần cung cấp những thông tin cần thiết về bệnh Sởi để hợp tác với ngành y tế trong việc tiêm vắc xin sởi cho trẻ em.
- Dùng khăn hoặc tay che miệng khi ho, hắt hơi.
- Rửa tay trước và sau khi ăn.
- Khuyến khích học sinh đi tiêm phòng ngừa Sởi (nếu chưa) vì đây là biện pháp chủ động để phòng ngừa bệnh Sởi.
- Vệ sinh cá nhân sạch sẽ, cắt móng chân, móng tay gọn gàng.
- Tẩy trùng sàn nhà bằng dung dịch sát khuẩn CloraminB.
- Thường xuyên mở cửa sổ, cửa chính để ánh nắng chiếu vào và đảm bảo thông khí thoáng cho nhà ở, phòng học, nơi làm việc, phòng điều trị hàng ngày.
- Cách ly trẻ bị mắc bệnh Sởi không được đến trường ít nhất 4 ngày sau khi phát ban. Bệnh nhân sởi ở trong bệnh viện phải được cách ly đường hô hấp từ lúc bắt đầu cho đến ngày thứ 4 của phát ban để khỏi lây sang bệnh nhân khác.
5. Vệ sinh phòng bệnh
Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, vệ sinh mắt, mũi, họng hàng ngày.
Thường xuyên vệ sinh nhà cửa, đồ chơi, các vật dụng cho trẻ. Giữ cho nhà ở, phòng học luôn thông thoáng, tránh gió lùa khi trời lạnh.
Không cho trẻ tiếp xúc và dùng chung vật dụng, đồ chơi với trẻ mắc sởi hoặc nghi ngờ mắc sởi. Hạn chế cho trẻ đến chỗ đông người, tại nơi có dịch sởi.
Không cho trẻ tiếp xúc với bệnh nhân mắc sởi hoặc nghi mắc sởi; Thường xuyên rửa tay và vệ sinh thân thể cho trẻ, rửa tay bằng xà phòng trước và sau khi chăm sóc trẻ
Khi phát hiện trường hợp có triệu chứng như sốt, phát ban, chảy nước mũi,... gia đình phải thông báo ngay đến Trạm y tế xã, phường; các cơ sở y tế để được tư vấn, xử trí, điều trị, cách ly kịp thời.
* Hiện nay bệnh Sởi không có điều trị đặc hiệu vì vậy cần:
- Tăng cường dinh dưỡng để phòng suy dinh dưỡng. Đặc biệt, dùng thêm vitamin A để tránh loét giác mạc, mù mắt.
- Vệ sinh răng miệng, da, mắt.
- Điều trị triệu chứng: Hạ nhiệt, giảm ho.
- Điều trị các biến chứng: Nếu có bội nhiễm viêm phổi, viêm tai dùng kháng sinh thích hợp.
Trên đây là bài tuyên truyền phòng chống dịch Sởi của trường Tiểu học thị trấn Ninh Giang. Chức các em học sinh luôn mạnh khỏe, chăm ngoan, học giỏi và hãy cùng nhau cố gắng thực hiện tốt cách phòng chống bệnh Sởi để tránh mắc bệnh nhé !